Nhân dân cảm nhận được chuyển biến rõ rệt của Ngành GTVT
- Thứ ba - 20/01/2015 14:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
hntk 001
Hiệu lực quản lý Nhà nước tốt hơn
Chuyển biến lớn nhất được xã hội và nhân dân cả nước ghi nhận về Ngành GTVT chính là công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT. Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho biết, trong năm 2013, từ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, đến quản lý vận tải, đầu tư xây dựng, đổi mới doanh nghiệp, ATGT đều đạt được những kết quả khả quan.
“Đáng kể nhất là Bộ GTVT đã hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động vận tải bước đầu được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực từ đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đến đường thủy nội địa, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong và ngoài nước. Công tác đầu tư xây dựng được siết chặt kỷ cương – tiến độ - chất lượng. Với công tác đảm bảo ATGT, Ngành GTVT thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức người tham gia giao thông. TNGT giảm cả 3 tiêu chí, số người chết giảm dưới 10.000 người. Ùn tắc giao thông cũng giảm rõ rệt” - Thứ trưởng Viên nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị tổng kết năm ngành giao thông vận tải . Ảnh: Khánh Hà
Cũng trong năm qua, công tác sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước được triển khai rất hiệu quả. Ngành GTVT đã cổ phần hóa 45 doanh nghiệp, trong đó có 11 tổng công ty lớn. Công tác cải cách hành chính, thanh tra, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến tích cực. Tác phong, nề lối làm việc của đại bộ phận cán bộ, công chức được cải thiện, giảm đáng kể tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, ý chí quyết tâm, hành động quyết liệt của Ngành GTVT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, công tác quản lý nhà nước của Ngành GTVT có nhiều kết quả nổi bật, mang tính đột phá cao. Trong dó phải kể tới hoạt động vận tải đã có chuyển biến rõ rệt, người dân đi lại thuận lợi hơn, giảm phiền hà. Nhiều chính sách trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được triển khai để nâng cao tiến độ, chất lượng công trình, thu hút vốn đầu tư, tiết giảm chi phí. Ùn tắc và TNGT đều giảm.
“Để có được kết quả đó là sự nỗ lực, quyết tâm hành động lớn của tập thể lãnh đạo và cán bộ viên chức Ngành GTVT. Những đóng góp và kết quả của Ngành GTVT nhân dân đều cảm nhận được. Quản lý nhà nước phải bằng pháp luật, bằng cơ chế chính sách, chứ không thể chỉ dừng ở mỗi việc giải quyết các sự vụ. Chỉ như thế người dân mới ghi nhận.” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lấy ví dụ: “Chỉ một việc tuy nhỏ nhưng góp phần quan trọng để kéo giảm TNGT mà Ngành GTVT đã thực hiện là là xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện. Khi các chủ xe bị phạt nghiêm, lái xe cũng không dám vi phạm. Điều này rất được nhân dân đồng tình”.
Hành động quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT được đánh giá cao
Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong năm vừa qua của Ngành GTVT được người dân và dư luận cả nước đánh giá cao. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tiến độ và chất lượng công trình đều có chuyển biến cả về nhận thức và hành động của các cơ quan tham gia dự án. Tình trạng công trình chậm tiến độ, chất lượng kém giảm rõ rệt so với trước đây. Năm 2013, Ngành GTVT đã triển khai một khối lượng công việc rất lớn khi khởi công 78 công trình, dự án và hoàn thành 46 công trình, dự án khác. Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, tư vấn rà soát tổng thể tất cả các dự án đang triển khai và tiết giảm hơn 35.000 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Còn theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, năm 2013 là năm đột phá về huy động vốn ngoài ngân sách của Bộ GTVT. Bộ GTVT đã huy động hơn 80.000 tỷ đồng cho 26 dự án với 1.004km đường. Đặc biệt tuyến QL1 đã huy động 18 dự án BOT, tương đương khoảng 627km đường và giá trị 50.000 tỷ đông. Đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên 3 dự án BOT với 3.700 tỷ đồng nữa.
Đồng tình với những đánh giá của lãnh đạo Bộ GTVT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thì quan trọng nhất là vốn. Thời gian qua, ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ có hạn thì tất yếu phải huy động từ ngoài ngân sách. Tuy nhiên để làm được phải có hành lang pháp lý, cơ chế chính sách.
“Thời gian qua, nếu các đồng chí ở Bộ GTVT không quyết liệt thì không thể có hàng chục dự án BOT với hàng chục nghìn tỷ đồng vốn xã hội hóa triển khai được. Tôi đánh giá cao Bộ trưởng Đinh La Thăng và lãnh đạo Bộ GTVT trong công tác này” – Thủ tướng nói.
Đối với tiến độ, chất lượng công trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trách nhiệm trước hết phải của chủ đầu tư, ban QLDA, sau đó mới đến tư vấn, nhà thầu và các đơn vị khác. Thời gian qua Bộ GTVT đã làm rất quyết liệt điều này, tuy nhiên cần phải quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. “Nếu không có sự quyết tâm rà soát của lãnh đạo Bộ GTVT thì làm sao tiết giảm được hơn 35.000 tỷ đồng. Kinh tế đất nước còn khó khăn thế này mà tư vấn cứ đề xuất làm cái gì cũng hoành tránh, cầu còn tốt cũng đập đi xây mới thì tiền đâu cho đủ”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trao Cờ thi đua xuất sắc năm 2013 cho Báo Giao thông và các đơn vị trong ngành
TNGT có giảm được nữa không?
Đánh giá cao nỗ lực đảm bảo ATGT của ngành GTVT trong năm 2013, khi là năm thứ hai liên tiếp TNGT giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn cho rằng các cơ quan chức năng không được phép hài lòng với kết quả đó. Thủ tướng đặt câu hỏi: Chúng ta có thể làm tốt hơn nữa không? TNGT có giảm được nữa không?
“Tôi thấy vẫn còn giảm được, hơn 9.000 người chết một năm vẫn là con số quá lớn. Nếu giảm được tình trạng người uống rượu bia tham gia giao thông thì chắc chắn còn giảm được nhiều, bởi số vụ TNGT liên quan đến đối tượng này rất lớn” – Thủ tướng gợi ý.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Ngành GTVT tiếp tục siết chặt quản lý vận tải, đồng thời tăng cường kiểm tra tải trọng xe lưu thông trên đường. Việc làm này không những có thể kéo giảm sâu hơn nữa ùn tắc và TNGT trong năm 2014 mà còn giữ cho hệ thống giao thông tránh xuống cấp nhanh, mang lại hiệu quả cao hơn trong đầu tư.